Trị số huyết áp cao là bao nhiêu?
Với người bình thường, trị số khi đo huyết áp ở trạng thái nghỉ ngơi hầu như thấp hơn mức 120/80 mmHg (trong đó, huyết áp tâm thu là 120 mmHg và huyết áp tâm trương là 80mmHg). Khi có dấu hiệu bị huyết áp cao thì trị số huyết áp sẽ dao động trong khoảng 120/80 – 139/89 mmHg.
Vậy huyết áp cao là bao nhiêu? Những bệnh nhân bị chứng bệnh cao huyết áp là người có trị số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên và xảy ra trong một thời gian dài. Chỉ cần một trong hai hoặc cả hai chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương cao hơn mức bình thường là đã bị huyết áp cao.
II. PHÂN LOẠI:
Theo nghiên cứu y khoa, huyết áp cao thường bao gồm 4 loại chính như sau:
· Cao huyết áp tự phát hay còn gọi là cao huyết áp vô căn EHT (loại huyết áp cao không có nguyên nhân gây bệnh).
· Cao huyết áp thứ phát (nguyên nhân xuất phát khi bệnh nhân đã có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, thận,… gây ra).
· Cao huyết áp tâm thu (chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg nhưng chỉ số huyết áp tâm trương lại ở mức bình thường).
· Cao huyết áp thai kỳ (huyết áp cao gây ra tiền sản giật ở phụ nữ mang thai, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và em bé).
III. NGUYÊN NHÂN:
Chứng bệnh cao huyết áp thường diễn biến âm ỉ, không được xác định rõ những nguyên do đâu ở người trưởng thành. Chỉ có khoảng 5 – 10% trường hợp người bệnh mắc tăng huyết áp là do các nguyên nhân bao gồm:
· Tuổi tác: Tuổi càng cao, độ đàn hồi của động mạch càng giảm đi; động mạch trở nên xơ cứng và hoạt động lưu thông máu kém hiệu quả, gây nên huyết áp cao.
· Cân nặng: Những người thừa cân/béo phì thường tăng nguy cơ bị cao huyết từ 2 – 6 lần so với những người có thể trạng cân đối, bình thường.
· Giới tính: Ở nam giới sau tuổi 45 có nguy cơ cao bị huyết áp cao hơn phụ nữ. Ở nữ giới, sau thời kỳ tiền mãn kinh sẽ dễ mắc huyết áp cao.
· Tiền sử gia đình: Nếu ông bà, cha mẹ của bạn có người mắc bệnh cao huyết áp thì đó cũng có thể là một nguyên nhân bạn cũng mắc phải chứng bệnh này.
· Chế độ ăn uống: Ăn quá mặn sẽ làm cơ thể phải hấp thu lượng nước lớn để trung hòa máu, nạp quá nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa vào cơ thể; hoặc ở một số người nhạy cảm với muối natri. Hay thường xuyên uống nhiều rượu bia cũng gây ra cao huyết áp.
· Chế độ luyện tập: Lười tập thể dục, ngại vận động gây ra mỡ thừa tích tụ, ngăn cản máu lưu thông là một trong những nguyên nhân đưa bạn đến gần với cao huyết áp hơn.
· Mắc một số bệnh như: bệnh lý tuyến giáp, thận cấp/mạn tính, u tủy thượng thận, tắc nghẽn đường niệu, eo hẹp động mạch chủ, đái tháo đường, bệnh về tim mạch, khó thở khi ngủ,…
· Mắc một số hội chứng: hội chứng Cushing – một dạng bệnh lý nội tiết, hội chứng Conn (hay còn gọi là hội chứng cường Aldosteron tiên phát).
· Tâm lý: Thường xuyên lo âu, căng thẳng, stress kéo dài dễ dẫn đến huyết áp cao và vô số bệnh lý khác, gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe con người.
· Nhiễm độc thai nghén: Nó gây ra hậu quả thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan của người mẹ và nhau thai.
IV. CÁC DẤU HIỆU NHẬN BIẾT NGƯỜI CAO HUYẾT ÁP:
Một số triệu chứng gián tiếp dưới đây mà bạn có thể lưu ý để phát hiện mình bị cao huyết áp:
· Xuất huyết dưới kết mạc: Trên nhãn cầu xuất hiện các đốm đỏ.
· Mặt đỏ bừng: Khi các mạch máu giãn nở dưới da mặt sẽ khiến mặt bạn có cảm giác nóng và đỏ mặt lên.
· Chóng mặt bất thường: Những cơn chóng mặt đột ngột xuất hiện khiến bạn không còn kiểm soát được cơ thể có thể gây ra rủi ro nặng nề nhất là đột quỵ.
· Trên thực tế, còn có thể gặp một số dấu hiệu gián tiếp khác như: hồi hộp trống ngực, đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi không hoạt động mạnh, đau đầu, khó ngủ và chảy máu cam.
V. PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ CAO HUYẾT ÁP:
- Để giảm thiểu những nguy cơ do huyết áp cao gây ra, cần có phương hướng điều trị rõ ràng.
- Có 2 biện pháp chính là biện pháp không dùng thuốc và có dùng thuốc.
* Các biện pháp không dùng thuốc:
Một số biện pháp không dùng thuốc để phòng ngừa và điều trị huyết áp cao có thể kể đến như:
· Nếu có những thói quen gây hại sau, hãy từ bỏ dần dần và dừng hẳn: hút thuốc lá/thuốc lào; uống nhiều rượu/bia; thói quen ăn quá mặn, thường xuyên ăn những thực phẩm chế biến sẵn/đóng hộp; lười vận động.
· Nếu bị thừa cân, hãy giảm cân nặng để cơ thể được cân đối, mạnh khỏe hơn. Có thể cân nhắc thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI = cân nặng/chiều cao2) đạt từ 18,5 đến 22,9 là ở trạng thái cân nặng lý tưởng.
· Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp để phòng tránh huyết áp cao. Cần dùng đủ lượng muối hàng ngày, không dùng quá 6 gram/ngày, hạn chế các món rim, kho, muối chua, giảm lượng mỡ động vật và các thực phẩm chứa hàm lượng lớn cholesterol. Thay vào đó, hãy chuyển sang ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh (rau diếp, cải xoăn, cải cầu vồng,…), quả chín (chuối, lựu, dưa hấu, việt quất,…).
· Cần kiên trì đều đặn tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 45 phút để phát huy hiệu quả, phòng ngừa huyết áp cao (tùy vào thể trạng mỗi người mà lựa chọn loại hình tập phù hợp nhất)
*Các biện pháp dùng thuốc:
Tùy thuộc vào mức độ của bệnh cao huyết áp và độ nhạy cảm ở mỗi bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ kê đơn khác nhau. Không có bất cứ một loại thuốc nào có thể điều trị cho tất cả bệnh nhân cao huyết áp cả. Và một số loại thuốc giúp hạ huyết áp được dùng phổ biến như: Thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế Beta, thuốc ức chế hấp thụ canxi, thuốc gây ức chế men chuyển ACE và thuốc giãn mạch
*Kết luận
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ về bệnh cao huyết áp – một chứng bệnh âm thầm nhưng gây nhiều hệ lụy khó lường mà chúng ta nhất định phải biết. mong rằng tất cả mọi người hiểu rõ hơn những thông tin về chứng bệnh này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Hãy chia sẻ thông tin cho bạn bè, người thân để không ai phải lo sợ về huyết cao .