1.Triệu chứng bệnh bạch hầu thường gặp
- Sốt nhẹ, đau đầu;
- Viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở;
- Đau họng dẫn tới chán ăn;
- Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi;
- Da trở nên xạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.
- Sau khi thấy triệu trứng trên khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen.
2. Các dạng bệnh bạch hầu thường gặp
a. Bạch hầu mũi: thường gặp ở trẻ em còn bú mẹ, bắt đầu bằng chảy nước mũi nhẹ một hoặc hai bên, kéo dài mấy ngày liền, có khi nước mũi lẫn máu làm loét môi và có mùi hôi. Triệu chứng toàn thân có thể nhẹ nhưng vẫn có thể hình thành một màng ở vách mũi.
b. Bạch hầu họng: bắt đầu bằng dấu hiệu trẻ đột ngột đau họng, nhức đầu và khó chịu, đồng thời mạch quá nhanh so với tình trạng sốt nhẹ. Khám họng có thể dễ dàng nhìn thấy màng giả màu trắng xám ở họng. Nếu bóc lớp màng này sẽ gây chảy máu (đó chính là một đặc điểm của màng giả bạch hầu).
c. Bạch hầu thanh quản: cũng gặp ở trẻ đang bú, do bạch hầu họng lan xuống. Triệu chứng bắt đầu là tiếng ho khàn, rồi thở rít, co kéo hõm ức, sợ hãi. Dấu hiệu khó thở ngày càng tăng, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh bạch hầu cần được chữa trị càng sớm càng tốt, vì để lâu sẽ gây biến chứng làm tử vong. Việc điều trị phải được tiến hành toàn diện, trung hòa độc tố bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống bội nhiễm, chống tái phát và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Khi bệnh nhân khó thở sẽ được bác sĩ phẫu thuật để mở khí quản.
3. Cách phòng chống bệnh bạch hầu
- Nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh vẫn có thể mắc bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
+ Đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch;
+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày;
+ Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;
+ Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng;
+ Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
+ Đặc biệt, người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.