TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Sức khoẻ người cao tuổi - Những điều cần biết
[ Cập nhật vào ngày (27/11/2017) ]

Ở người cao tuổi các cấu trúc và chức năng của cơ thể bắt đầu suy yếu, phát sinh nhiều vấn đề về sức khoẻ như: chậm hồi phục tổn thương cơ thể, bong gân, gẫy xương, chấn thương sọ não, bệnh Parkinson...


Chậm phục hồi tổn thương cơ thể: Người cao tuổi, chuyển hóa chất đạm giảm nên khi có vết thương hoặc vết mổ thường lâu lành hơn người trẻ. Các mạch máu nhỏ ít co dãn nên cung cấp năng lượng cho não cũng giảm, đồng thời người ta cũng nhận thấy các tế bào thần kinh ở vỏ não giảm nên người cao tuổi thường phản ứng chậm chạp với những tình huống đòi hỏi sự nhanh nhạy.

         Các vấn đề ở xương: Để giảm các tổn thương, người cao tuổi cần đề phòng ngã. Ngã là một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh tật cho người cao tuổi. Ngã dẫn đến các chấn thương trực tiếp như bong gân, gẫy xương, chấn thương sọ não.

          Gãy xương có thể xảy ra sau té ngã hoặc gãy tự nhiên, lún xương đốt sống gây đau lưng, gù lưng. Do đó người cao tuổi cần phải được bổ sung calci bằng cách uống sữa thường xuyên và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng của loãng xương.

          Vấn đề liên quan đến tiêu hoá:  Người cao tuổi thường gặp vấn đề về răng miệng, sức nhai kém nên khó nghiền nát thức ăn, đồng thời các men tiêu hóa giảm nên người cao tuổi thường hay bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy nên ăn đầy đủ các chất nhưng không ăn quá no, nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau, đậu v.v... Thức ăn nêm vị vừa phải, không quá mặn cũng không quá nhạt. Cần hạn chế đồ chiên xào, tăng cường thức ăn tươi hoặc luộc. Ăn chậm, nhai kỹ làm cho thức ăn dễ tiêu hóa, giờ ăn trong ngày nên ổn định. Ngoài ra cần phải uống nước để tránh sỏi đường niệu và táo bón.

          Các rồi loạn về giấc ngủ: Người cao tuổi thường ít ngủ và có rối loạn về giấc ngủ với các rối loạn thường gặp như:

- Ngủ gà gật ban ngày, ít ngủ về đêm.

- Ngủ không ngon giấc, dễ có ác mộng. Dễ tỉnh giấc tự nhiên hoặc vì một tiếng động nhỏ. Để đảm bảo giấc ngủ tốt cần tập những thói quen như: Ngủ và dậy vào những giờ nhất định. Tránh xem truyện, ti vi quá khuya; Chuẩn bị tốt chỗ ngủ đảm bảo yên tĩnh, thông thoáng và ấm áp.

          Các bệnh về tim mạch và huyết áp:  Ở người cao tuổi, mạch máu trở nên cứng, kém đàn hồi. Tim co bóp bơm máu vào động mạch nhưng luôn gặp sức cản nên phải hoạt động nhiều hơn. Ngoài ra ở người cao tuổi, tình trạng xơ vữa động mạch làm cấu trúc mạch máu bị biến đổi, huyết áp tâm thu (tối đa) cao nhưng huyết áp tâm trương (tối thiểu) lại thấp, 2 con số này chênh lệch nhau nhiều dễ gây các bệnh tim mạch.

          Để giữ gìn sức khỏe, người cao tuổi nên vận động nhẹ nhàng, các vận động mà người cao tuổi có thể thực hiện như: đi bộ, chạy chậm hoặc bơi lội có thể giúp cho người cao tuổi vẫn giữ độ săn chắc của cơ bắp và làm chậm quá trình hủy xương. Tập thể dục đều đặn làm giảm nguy cơ tim mạch như: cao huyết áp, tai biến mạch máu não, loãng xương và giúp ổn định đường huyết. Sự vui vẻ lạc quan sẽ tăng cường sức sống cho cơ thể, duy trì thăng bằng hệ thần kinh. Đó là vũ khí chống lại mọi căng thẳng, ưu tư, buồn phiền để kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi.




BS.Abdoroman, Khoa khám bệnh

  In bài viết



Hiển thị tin chuyên mục

Tin theo chuyên mục chưa được cấu hình thể hiển chuyên mục



TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN AN PHÚ

Địa chỉ: Đường Bờ Bắc Kinh Mới, Thị Trấn An Phú, Huyện An Phú, Tỉnh An Giang

Điện thoại: 076.3826718

Email: benhvien.anphu@angiang.gov.vn

© Trung tâm y tế huyện An Phú


Số người online: 5
Lượt truy cập: 287117
Thiết kế: